Thu tiền tỷ từ… mùn cưa, dăm bào

Luôn trăn trở với hàng chục tấn phế phẩm từ cơ sở gỗ xẻ của gia đình vì không tìm được đầu ra, sau thời gian nghiên cứu, học hỏi ở nhiều nơi, chị đã sáng chế thành công máy ép viên củi nén. Sản phẩm đã xuất khẩu mang lại hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần bảo vệ môi trường. Đó là sáng tạo của chị Nguyễn Huỳnh Nguyên Thụy (40 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH XNK Khải Nguyên ở phường An Lộc (TX. Bình Long).

Luôn trăn trở với hàng chục tấn phế phẩm từ cơ sở gỗ xẻ của gia đình vì không tìm được đầu ra, sau thời gian nghiên cứu, học hỏi ở nhiều nơi, chị đã sáng chế thành công máy ép viên củi nén. Sản phẩm đã xuất khẩu mang lại hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần bảo vệ môi trường. Đó là sáng tạo của chị Nguyễn Huỳnh Nguyên Thụy (40 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH XNK Khải Nguyên ở phường An Lộc (TX. Bình Long).

Ý tưởng độc đáo

Giám đốc Thụy cho biết, trước năm 2008 gia đình chị có cơ sở xẻ gỗ xuất khẩu. Lúc đó công việc cũng suôn sẻ và doanh thu đều. Thế nhưng điều khiến chị băn khoăn là cơ sở hàng năm thải ra hàng chục tấn phế phẩm mà không biết giải quyết thế nào. Bán không ai mua, cho không ai lấy. Mặt khác phế phẩm còn chiếm phần lớn diện tích, gây ô nhiễm môi trường… Không chỉ riêng cơ sở của chị mà rất nhiều cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh cũng rơi vào cảnh tương tự. Mất ăn, mất ngủ với tình trạng này, “lang thang” trên internet, tìm hiểu thông tin từ bạn bè, chị phát hiện ở một số nước có công nghệ chế tạo phế phẩm gỗ ép thành viên củi nén, nệm lót trong chăn nuôi… Lúc đó ở Khu công nghiệp Bình Dương cũng đã xuất hiện nhà máy chuyên sản xuất mặt hàng này. Để học hỏi kinh nghiệm, chị nộp hồ sơ xin vào làm. Qua thông tin và kiến thức học tập được, chị đã thiết kế ra các loại đầu máy cho người em trai chế tạo, lắp ráp.

Ròng rã hơn 1 năm vật lộn với các loại máy móc, phế phẩm từ gỗ, rồi tuyển dụng, đào tạo công nhân, đầu năm 2009, những viên củi nén đầu tiên cũng ra đời như mong đợi. Hiện tại, chị cùng người em trai đã chế tạo, lắp ráp 10 đầu máy sản xuất ra nhiều mặt hàng với công suất khoảng 60 tấn/ngày.

Chị Thụy giới thiệu về sản phẩm tiền tỷ của công ty

Thu tiền tỷ từ phế phẩm gỗ

Khuôn viên công ty chỉ rộng khoảng 7 sào, nhưng các hoạt động sản xuất – kinh doanh diễn ra tấp nập với tiếng máy chạy, tiếng cười nói của công nhân, các loại xe chở hàng ra vào nhộn nhịp. Ở đây hệ thống máy móc được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, hàng chục tấn hàng thành phẩm được cẩu lên xe công-ten-nơ đi xuất khẩu.

Chị Thụy cho biết, các phế phẩm từ gỗ được thu gom về xay nhỏ, sấy khô và xử lý rồi đưa vào máy ép để cho ra nhiều sản phẩm khác nhau. Nệm lót chuồng có kích thước 35 x 55cm, được sử dụng trong chăn nuôi heo, gà nhằm hút chất thải, giữ ấm và đặc biệt là giảm chi phí điện, nước, góp phần bảo vệ môi trường. Viên củi nén (Wood pellets) với 2 sản phẩm (loại viên nén nhỏ có đường kính 8mm, từ 1-7cm và viên sinh khối lớn có kích thước 7 x 16cm) được ép với lực ép lớn, thường được dùng trong các lò sưởi, đốt trong lò hơi công nghiệp, phục vụ lò sấy, lò nhuộm vải, dệt sợi, công nghệ sản xuất giấy, may mặc, chế biến… Viên củi nén là chất đốt có nhiệt lượng rất cao và lượng tro tàn rất nhỏ chỉ khoảng 1,5%. Đây là sản phẩm rất được ưa chuộng tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ… Kích thước nhỏ của viên củi nén rất tiện lợi khi sử dụng và giảm chi phí vận chuyển. Viên củi nén rất dễ cháy do có độ ẩm thấp (dưới 10%). Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí so với các loại nhiên liệu khác (giảm 70% so với dầu và 30% so với than đá). Vì thế, viên củi nén có thể thay thế các chất đốt khác như gas, than đá, dầu, củi, điện… Tuy nhiên, ngoài nệm lót chuồng thì nông dân trong tỉnh chưa làm quen với sản phẩm này mà chủ yếu là xuất khẩu.

Với công suất 60 tấn/ngày cho thấy doanh thu hàng năm của công ty không nhỏ, 1 tấn mùn cưa, dăm bào khô mua vào với giá 1,2 triệu đồng thì cho ra thành phẩm nệm lót chuồng với giá 2,1 triệu đồng/tấn; viên củi nén 2,4 triệu đồng/tấn và viên củi nén ép khối giá 1,9 triệu đồng/tấn. Nếu thị trường đầu vào, đầu ra ổn định, sau khi trừ chi phí công ty thu nhập tiền tỷ/tháng. Thời điểm này, doanh thu mới chỉ là điểm khởi đầu, để có được thành công như ngày hôm nay chị Thụy đã trải qua bao thử thách, thất bại, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, nhưng trong nay mai sẽ cho thu lợi lớn.

Hiện Khải Nguyên là công ty lớn, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động trên địa bàn. “Điều hạnh phúc lớn nhất của tôi là có được đội ngũ công nhân nhiệt tình và trung thành. Họ đã cùng công ty vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất, vì thế tôi luôn tin tưởng và coi họ như con em trong gia đình”,  chị Thụy nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *