Những phế phẩm như mùn cưa, vỏ trấu… lại trở thành một mặt hàng được săn mua trong thời gian qua đẩy thị trường tưởng chừng như phế phẩm bỏ đi trở nên rất sôi động và đắt giá: từ buôn bán nguyên liệu sinh khối, trồng rừng, chứng chỉ trồng rừng rồi đến cả thị trường khí thải.
Mùn cưa ép thành… vàngTất nhiên, HAWA không thể gom đủ số lượng này nên khách hàng sốt ruột muốn mua hết cả các loại dăm, bào, gỗ vụn, giá tùy thỏa thuận, có thể lên đến 500.000 đồng/tấn mùn cưa.Liên tiếp trong tháng qua, văn phòng của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận được các lời chào mua thu gom tất cả phế phẩm mùn cưa của tất cả thành viên HAWA, với đơn chào lên đến hơn 10.000 tấn mùn cưa mỗi tháng!
Đơn hàng đến từ một công ty tại TP.HCM. Mùn cưa sau khi thu mua được chuyển tới nhà máy tại Bình Dương để nén thành viên, đóng gói bán sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản. Được biết, viên nén mùn cưa được thế giới xem như một dạng nhiên liệu sinh khối thay thế dầu, khí ga, than đá….
Nenryo cũng là một công ty thương mại kinh doanh mùn cưa từ nhiều năm nay. Theo ông Phạm Phú Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nenryo, trong các dạng năng lượng sạch dành cho nhiệt điện, vỏ trấu cũng như mùn cưa là nguyên liệu có giá trị rất cao và có rất nhiều tại Việt Nam.
Số liệu của Nenryo cho thấy, ở Việt Nam lượng phụ phẩm như vỏ trấu là 6,8 triệu tấn/năm trong đó riêng ĐBSCL chiếm 3,7 triệu tấn; phụ phẩm mùn cưa là 5,8 triệu tấn/năm trong đó riêng Tây Nguyên chiếm 2,5 triệu tấn, miền Trung chiếm 1,15 triệu tấn/năm.
Đa số viên nén sản xuất tại Việt Nam và các nước trong khu vực đều xuất khẩu vào châu Âu và Nhật. Đây là những thị trường có nhu cầu rất lớn về nhiên liệu sinh khổi bởi họ đã đổi mới công nghệ và bắt đầu lộ trình sử dụng năng lượng bền vững.
Riêng tại Việt Nam cũng có nhiều các dự án nhiệt điện sử dụng rác thải trong quá trình sản xuất mía đường như: Nhà máy nhiệt điện Lam Sơn – tận dụng nguyên liệu từ quá trình sản xuất mía đường của Công ty CP Mía đường Lam Sơn…
“Thu mua sản phẩm này rất khó khăn vì các nhà máy sản xuất nằm riêng lẻ với công suất thấp, khoảng 500 – 1.000 tấn, tối đa là 2.000 -3.000 tấn, trong khi các đơn mua hàng thường đặt khoảng 10.000 -20.000 tấn.
Theo giá tham chiếu của châu Âu thì giá bán nguyên liệu phải có đủ Chứng chỉ FSC (Chứng chỉ trồng, quản lý và khai thác rừng bền vững), nhưng các nhà cung cấp ở Việt Nam lại hầu hết không có chứng chỉ này nhưng giá bán lại lấy giá tham chiếu làm chuẩn”, ông Thành cho biết.
Để gom đủ số lượng, nhà máy phải huy động nhiều đầu mối thu gom mùn cưa từ Bình Dương, Đồng Nai cho đến Đắc Lắc. Giá thu mua mùn cưa đã chế biến khoảng 500.000đ/tấn, nhưng sau khi xử lý nén và đóng gói có thể xuất FOB với giá lên tới hơn 300 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo ông Thành, so với tiềm năng thì Việt Nam chỉ mới chỉ cung cấp 600.000 tấn/năm để xuất khẩu ra nước ngoài. Còn thực tế, chưa xuất khẩu được vì hầu hết các nhà sản xuất Việt Nam chưa hiểu hiều rõ tiêu chí cũng như yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Thực tế, các nhà sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, hoạt động manh mún.
Đa phần nhập máy Trung Quốc vì sản xuất và không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu vào Nhật hay thị trường châu Âu nên mất khả năng cạnh tranh…
Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn châu Âu, hàm lượng tro đối với sản phẩm viên nén gỗ là 0,3 – 0,5%, nhưng khả năng cung cấp của Việt Nam là 1,5 – 2% nên châu Âu không nhập. Hoặc độ ẩm sản phẩm viên nén gỗ, yêu cầu của chấu Âu và Nhật là 4 – 6% nhưng sản phẩm của Việt Nam tới 7 – 8%.
Theo ông Thành, nếu xuất một lượng lớn mùn cưa từ 10.000 tấn/tháng sang Nhật sẽ đòi hỏi phải xuất trình được chứng chỉ FSC. Nếu có chứng chỉ trồng rừng và đạt các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thì giá mùn cưa có thể lên đến 400 – 500USD/tấn.
Theo tính toán, mùn cưa dùng trong nhiên liệu công nghiệp khá hiệu quả. Với lò hơi, việc từ than đá chuyển sang dùng củi mùn cưa chi phí có thể giảm đến hơn 50%. Từ dầu FO chuyển sang củi ép mùn cưa, chi phí có thể giảm đến 70%. Nếu sản xuất 2,5 tấn mùn cưa thành nhiên liệu đốt trong nước, Việt Nam giảm nhập khẩu khoảng 1.000 lít dầu. |
Để có được FSC, nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đến cả triệu USD để hợp tác với các nhà trồng rừng tại Việt Nam.
Được biết, Nenryo cũng đang đàm phán bước đầu với các nhà trồng rừng tại Đắc Nông và Bình Dương, cùng với kế hoạch xây dựng các nhà máy ép mùn cưa tại Thanh Hóa, Hải Phòng.
Theo ông Ngụy Như Trọng, Giám đốc Công ty Phúc Nguyên, thị trường nguyên liệu sinh khối bao gồm mùn cưa, bã mía, vỏ cà phê có nhu cầu rất lớn.
Hiện nay, Phúc Nguyên xuất hàng vào thị trường Đức, Ba Lan, Hà Lan… mỗi tháng khoảng vài ngàn tấn. Giá giao động từ 220 – 250 USD /1 tấn, tùy thuộc vào thị trường EU hay châu Á.
Còn theo ông Phạm Bành Tiến, Giám đốc Công ty Hùng Đại Dương, nhu cầu thị trường thì rất lớn, nhưng tìm nguồn nguyên liệu không phải là dễ, khách hàng cung cấp loại nguyên liệu này không phải thường xuyên mà theo thời vụ.
Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhận đơn hàng lớn, đảm bảo số lượng đã ký hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn khi văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng về mã ngành này mà chủ yếu đăng ký với lĩnh vực kinh doanh: phế phẩm từ nông lâm sản.
Điều này, gây khó khăn khi doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng lớn trong khi lĩnh vực hoạt động không rõ ràng, đăng ký thì trong bảng mã ngành kinh tế quốc dân chưa có.